ĐẾN
VỚI THƠ HAY tập một đã có một Lời nói đầu và tiếp theo là một thiên nghị luận về
Bình thơ. Mong rằng trước khi đi vào tập hai này, bạn đọc đã xem qua hai bài ấy.
Chỉ xin nói thêm một đôi điều.
Sách
này mong ước được làm một tác phẩm thuộc loại hình bình thơ, một loại hình nghệ
thuật trong lĩnh vực phê bình văn học. Bình thơ có giống giảng văn, bình giảng,
nhưng giống ít, khác nhiều. Bình thơ là “chỉ ra được cái hay của thơ và nói ra
cho hay”. Nó được thoải mái, không chịu hạn chế trong điều kiện này nọ như ở nhà
phê bình, càng không bị gò bó như ở nhà giáo.
Trước tiên là lựa chọn. Dù là lời ca nơi
đồng ruộng hay là vần điệu trên thi đàn cũng đều phải hay. Nhất định phải kính
cẩn mà ngẫm, thận trọng mà tuyển. Tất nhiên dựa vào ý chung nhưng cũng còn là
tình riêng. Sắp xếp thì thành chùm theo đa dạng biến thiên của văn học để giữ
cho ý vị khỏi trùng khỏi nhạt và khêu gợi thoang thoảng một ý niệm về văn học sử
nước nhà.
Lời bình vì sao lại hơi dài
?
Bình vốn có ngắn dài. Làm cánh bướm vờn
quanh một loáng rồi đi, thoáng bắt tí hương tí sắc nào đó và hạ một lời, đó là
một cách. Nó mới nhằm thưởng thức cho mình, chưa chút vấn vương nào chứ chưa nói
có trách nhiệm gì. Còn một cách khác là làm một tâm hồn biết rung cảm, vận hết
mình, đặt mình vào vai người làm ra bài thơ, sống cái sống đằng sau chữ nghĩa,
dựng lại cho được mọi xúc động tinh vi, sâu kín trong đó, đi cho tận bờ tận góc,
kì không bỏ sót một mảy của sự sống dù chỉ là một tia đom đóm ẩn sâu trong bụi
rậm. Bảo như vậy là quá tham lam cũng đành chịu. Bởi có như thế mới coi là có
trách nhiệm đối với thơ, đối với người xưa, có khi đối với cả hồn thiêng của một
thời đại.
Thơ ca vốn là thế giới tinh lọc; nghìn
chỉ còn một, hai. Nhưng một hai ấy nếu là Trường Sơn, Cửu Long thì nó xứng là
tất cả. Cái sâu, cái cao, cái rộng của thơ là vô biên. Cảm nhận mà chỉ một
thoáng chớp dù là sáng loè e cũng chưa nỡ. Cho nên ở đây xin tình nguyện cày
cục. Lật ba bốn bề, soi năm bảy bận, tin chắc khi vào còn có thể là đá nhưng khi
ra chắc là vàng bạc, bởi phải nhìn qua cái nhìn, nghe qua cái nghe, bắt cho được
cái thần. Vậy là kì khu, vất vả. Nguyện làm khách trần gian bận bịu, xin nhường
kẻ khác làm bậc tiên cốt nhẹ nhõm. Lời bình hơi dài. Nếu coi đó là cái tội thì
đó là cái tội muốn tận tình, muốn đủ.
Một
lời thưa sau cùng : Lời bình không thuần là khoa học mà mang tính nghệ thuật. Nó
đòi một phong cách riêng. Ý súc tích, lời tiết kiệm, chọn lọc. Câu uyển chuyển,
lấy tình ý làm cốt cho vững, mới mà không lạ. Giọng điệu không chỉ là lí lẽ phân
minh mà lúc cần thì trữ tình, cảm khái, từ nghị luận đổi sang tuỳ bút, thậm chí
đang đứng ngoài phân tích bỗng dưng nhập vào nhân vật trữ tình trong thơ, nói
lên cảnh ngộ, tâm tư, xúc cảm của họ như tự họ giãi bày. Ở một tầng cao hơn, có
khi là nhập mình vào thơ, đồng nhất mình với thơ, và bấy giờ không phải mình nói
về thơ mà chính mình nói về mình. Giọng điệu xúc cảm là tự nhiên, tất yếu. Đến
vậy, có thể nói không còn là bình thơ như quen hiểu mà là bút kí về thơ, và có
khi là tuỳ bút về thơ. Đó là những phút xuất thần, vượt ra ngoài khuôn nếp bình
thường, nhưng lại là một nét phóng túng khi hứng cảm lên cao đến đốt cháy mình ở
tâm hồn nghệ sĩ.
Bấy
giờ chỉ còn xin nhận tội là đã trung thực với mình và ước mong một sự đồng cảm
bao dung của thức giả tri âm. (GS. Lê Trí Viễn)